Đổ máu vì những trái Vanilla ở Madagascar: Xách mã tấu đi tuần giữa đêm

Đổ máu vì những trái Vanilla ở Madagascar: Xách mã tấu đi tuần giữa đêm

31/08/2017 tinhcoder

Ở Madagascar, vani từ lâu đã là nguồn sống của rất đông dân dân nghèo. Trong bối cảnh giá vani còn đắt ngang với bạc như hiện nay, người ta thậm chí còn phải đổ máu và đặt cược cả mạng sống để bảo vệ thành quả lao động.

Xách mã tấu đi tuần giữa đêm chống trộm
Một người nông dân chân không giày dép đang tiến qua một khu rừng ở Madagascar. Mưa khẽ khàng rơi xuống lá cây rồi chảy thành giọt, thi thoảng làm nhòa luồng sáng phát ra từ chiếc đèn pin anh cầm trên tay. Ở tay bên kia của người nông dân là một cây mã tấu đã han gỉ. Công cụ đi đường này không dùng để chặt cây cỏ dại – đó là vũ khí để anh chống lại lũ trộm.
Người nông dân không ở trong rừng một mình. Rất nhiều đàn ông khác – các nông dân như anh – cũng đội mưa đi tuần trong rừng. Suốt 3 tháng qua, họ đều rời nhà mỗi đêm và thực hiện một hành trình dài tới trang trại để bảo vệ thành quả lao động: Không phải ma túy mà là các cây vani sắp tới mùa thu hoạch.
Người nông dân ấy là Leon Charles. Anh đang sở hữu một nông trại trồng vani nhỏ tại làng Ambanizana. Ngôi làng nằm bên rìa Công viên quốc gia Masoala, phía Đông Bắc của Madagascar. Ngôi làng nằm ở một vị trí rất khó tiếp cận, bởi chẳng có con đường nào dẫn tới đây. Từ thủ đô Antananarivo của Madagascar, phải mất 2 chuyến bay, 2 giờ đi xuồng cao tốc và thêm 3 phút chèo thuyền để tới được Ambanizana. Ở đây, nơi rừng tiếp giáp với biển, không khí có độ ẩm rất cao. Bóng cây và nhiệt độ vừa phải khiến vùng đất này rất hoàn hảo để trồng vani.
Mỗi gốc vani mà Leon trồng thường cho ra rất nhiều quả, mang lại tổng số tiền lên tới hơn 150USD/gốc vào mùa thu hoạch. Đó là cả một gia sản lớn tại một đất nước với bình quân thu nhập trên đầu người chỉ là 1.500USD mỗi năm. Và đó cũng là mục tiêu tấn công của kẻ xấu – những tên trộm vani, sẵn sàng đốn hạ cả cây chỉ để lấy quả.
Leon từng nếm mùi cay đắng của việc bị cướp hết thành quả lao động. Sự việc diễn ra ngay trước mùa khai thác hồi năm ngoái và hậu quả mà gia đình anh nhận phải rất nặng nề. “Tôi đang làm việc trên cánh đồng lúa ở gần đó khi bọn trộm nhân cơ hội để lấy hết quả vani”, anh kể với phóng viên hãng tin BBC. “Tôi rất buồn, thậm chí đã khóc, bởi chúng tôi mất sạch mọi thứ. Tôi không có tiền để cho con đi học. Gia đình của chúng tôi thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn trong suốt cả năm đó”.
Nhưng Leon vẫn còn may mắn, bởi các vụ trộm vani thường diễn ra khá bạo lực. BBC cho biết đã có hàng chục vụ án mạng ở Madagascar liên quan tới vani, khi bọn trộm hóa thành cướp lúc bị bắt quả tang, và sát hại những nông dân dám ngăn cản chúng lấy quả vani.
Ở Anjahana, những tên trộm nhờn mặt dân địa phương tới mức trước khi lấy quả vani chúng còn gửi giấy cảnh báo tới từng hộ gia đình. “Tối nay bọn tao sẽ đến”, chúng viết trong một tờ giấy dúi vào phía dưới cánh cửa của từng ngôi nhà. “Hãy chuẩn bị sẵn những gì chúng tao cần”.
Nhưng có vẻ như lũ trộm đã đánh giá thấp giá trị món hàng chúng định lấy đi, hoặc các nạn nhân mà chúng sắp tấn công. Sau nhiều lần chịu đựng việc trộm cắp hoành hành mà không nhận được sự trợ giúp tích cực từ cảnh sát địa phương, dân làng đã phục kích và tóm được 5 tay anh chị. Họ trói chúng lại, kéo lê tới sân làng và tiến hành một màn trả thù tập thể tàn bạo.
“Họ dùng mã tấu và giáo đâm chém những kẻ đó tới chết”, một nông dân trồng vani giấu tên, nằm trong nhóm các nhân chứng đã tận mắt thấy cuộc hành hình, kể với phóng viên trang tin Guardian. “Tôi nghĩ đó là điều tốt đẹp. Cảnh sát đã chẳng làm gì giúp chúng tôi. Giờ bọn trộm sẽ phải sợ hãi không dám ngang nhiên lấy quả vani nữa. Chúng tôi đã có một đội bảo vệ riêng”…
Các vụ giết người không qua xét xử này, được một linh mục địa phương xác nhận với Guardian, cho tới nay vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo làng của Leon, một người trông khá trẻ trung có tên Oreis, lo sợ điều tương tự rồi cũng sẽ xuất hiện tại làng của mình. “Chúng tôi phải nỗ lực để đảm bảo bọn trộm không thể lấy đi thứ gì từ đây”, ông chia sẻ với BBC. “Bởi nếu ai đó bị lấy mất sinh kế, họ có thể làm mọi thứ để chống lại, kể cả việc giết người”

Một hương thơm đắt đỏ
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng vani – thứ nguyên liệu dùng phổ biến trong hoạt động nấu ăn, sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm – lại không hề dễ kiếm như người ta vẫn tưởng, ít nhất điều này đúng với vani tự nhiên.
Chúng ta đã quen với việc nhìn thấy vani xuất hiện quanh mình, trong những cây nến, bánh quy, các que kem. Nhưng khi bạn đang ăn, hoặc ngửi thứ gì đó mang hương vani, hương thơm ấy rất có khả năng đã được con người chế ra.
Các nhà khoa học đã sản xuất vanillin tổng hợp – chất giúp vani có mùi thơm đặc trưng – kể từ thế kỷ 19. Hương thơm nức này thực tế được trích xuất từ các nguyên liệu gồm than đá, bồ hóng, cám gạo, bột gỗ và thậm chí là phân bò. Ngày hôm nay, đại đa số vanillin tổng hợp được trích xuất từ các sản phẩm hóa dầu. Và chúng có giá rẻ hơn 20 lần so với vani tự nhiên.
Sản xuất vani tự nhiên không hề dễ dàng. Vani là một giống lan gốc Mexico, đã được thực dân Pháp đưa tới đảo Réunion nằm ngay cạnh Madagascar vào đầu thế kỷ 19. Cây lan vani mọc thành giàn, có lúc đạt độ dài tới 90m.
Các giàn vani sống rất khỏe bên ngoài Mexico, nhưng suốt một thời gian dài chúng không thể có quả. Mãi về sau này, người ta mới biết đã có một thiếu sót quan trọng. Nguyên nhân do cấu trúc của hoa vani khiến phần lớn côn trùng, gồm các loài ong mật bình thường, không thể lấy mật của nó – hoạt động cũng khiến hoa được thụ phấn.
Ở Mexico, hoa vani có thể thụ phấn là nhờ loài ong Melipona. Thật không may, loài ong này chỉ sống tại Mexico. Nhưng ngay cả khi có ong Melipona, việc dựa vào chúng cũng mang tính may rủi quá cao, bởi cây vani chỉ nở hoa có một lần trong năm, vào một ngày duy nhất. Hoa sẽ tàn đúng 12 tiếng sau khi bắt đầu nở.
Đó là khi vị cứu tinh xuất hiện. Ở Réunion, một cậu bé nô lệ có tên Edmond Albius đã sáng chế ra một cách thụ phấn thủ công cho cây vani, dù tiến trình này rất tỉ mẩn và mất nhiều thời gian. Theo đó, cậu dùng một cái que mảnh nhưng sắc để nâng một cái màng rất mỏng manh nằm ngăn giữa bộ phận sinh dục đực và cái của hoa. Tiếp đó hai bộ phận này được đẩy cho chạm vào nhau để quá trình thụ phấn diễn ra. Hoạt động thụ phấn nhân tạo này phải được tiến hành trên mọi bông hoa đơn lẻ của cây vani, để có thể thu quả với số lượng lớn nhất.
Các nông dân Madagascar thường phải kiểm tra cây của họ vào mỗi sáng sớm. Nếu người nông dân bỏ lỡ khoảnh khắc hoa nở, hoặc gây hại tới cây vani, anh ta có thể sẽ mất đi những quả có giá trị cao của nó. Thường phải mất 600 lần thụ phấn nhân tạo như thế để thu được 1kg quả vani. Sau quá trình thụ phấn, phải mất thêm 9 tháng nữa để cây vani cho quả đạt tiêu chuẩn.
Ngay cả tới giai đoạn này, quả vani vẫn chưa cho ra mùi vị thơm đặc trưng. Người ta còn phải ủ quả vani thêm vài tuần nữa, đan xen vào đó là những lần cho quả tắm hơi, tắm nắng và phơi trong bóng râm. Sau quá trình xử lý này, quả vani sẽ khô lại, có màu nâu đen và rất thơm.
Nhưng quá trình sản xuất mất nhiều công sức kể trên chẳng phải là lý do chủ yếu khiến vani có giá cao. Thời tiết thất thường, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu cao mới là các nguyên nhân chủ đạo. Trong những năm 1970, giá vani từng tăng chóng mặt sau khi một cơn bão nhiệt đới phá hủy một loạt cây vani ở Madagascar. Mức giá vẫn cao cho tới tận đầu những năm 1980, bất chấp việc Indonesia bắt đầu tham gia sản xuất nguyên liệu này. Phải tới cuối những năm 1980, giá vani mới dần hạ xuống mức 20USD/kg.
Tháng 4.2000, bão Hudah tấn công Madagascar khiến giá vani tăng vọt lên mức 500USD/kg. Mức giá cao không tưởng này khiến nhiều nước cũng tiến hành trồng vani, giúp đẩy giá xuống trở lại ngưỡng 40USD/kg vào giữa năm 2005. Đến năm 2010, giá giảm trở lại mốc 20USD/kg. Tuy nhiên vào tháng 7.2017, bão Enawo quét qua Madagascar đã phá hủy phần lớn vụ vani của năm đó. Giá vani lại được cơ hội tăng vọt lên mốc 600USD/kg (cao hơn cả giá bạc), trước khi hạ xuống còn 515USD vào tháng 6 năm nay.
Việc giá vani chậm đi xuống còn do người dùng đang ngày càng chuộng thực phẩm sạch. Họ gây sức ép lên phía nhà sản xuất, dẫn tới hệ quả là một loạt các công ty lớn như Hershey và Nestle đã bắt đầu phải mua vani tự nhiên, với số lượng lớn để sản xuất hàng. Điều này đẩy nhu cầu lên mức rất cao, trong khi nguồn cung lại hạn chế, khiến giá vani càng thêm ngất ngưởng.

Ai hưởng lợi từ cơn sốt vani?
Trên một con phố lầm bụi ở thị trấn Maroantsetra, phóng viên BBC thử tiến hành một cuộc giao dịch vani. Mùa thu hoạch vani năm nay tới muộn vài tuần, nhưng các thương lái có mặt tại khu chợ trời của thị trấn vẫn có thứ gì đó để bán.
Một thương lái mà phóng viên tiếp xúc đầu tiên thành thật nói rằng anh ta chỉ có 300g vani, nhưng đó là hàng kém chất lượng. Tuy nhiên một người khác mà phóng viên gặp sau đó đã có thể mang tới một cái túi khá nặng. “Đây là 2kg”, người thương lái nói với giọng tự hào, “3,3 triệu ariary (khoảng 1.000USD)”. Khi phóng viên nói không đủ tiền mua, anh này chỉ nhún vai và cười nhưng không thất vọng. Sẽ có những người mua khác nghiêm túc hơn và nặng ví hơn tới gặp anh ta.
Cái túi kia dĩ nhiên không chứa ma túy – những quả vani còn ẩm hằn lên qua lớp vỏ nhựa mỏng. Chỉ có điều vani đã bị nhét vào túi hút chân không – một hoạt động mà chính quyền Madagascar đang cấm vì nó làm suy giảm chất lượng quả vani.
Theo BBC, vani thường được cho vào túi và hút chân không để bảo quản nhiều tháng sau vụ thu hoạch. Người nông dân cũng thường dùng cách này để bảo quản các quả vani được thu hoạch quá sớm. Họ còn dùng cách này để lưu giữ vani thật lâu và chỉ bán khi chúng có giá cao.
Tuy nhiên vani còn non hoặc chưa qua xử lý chứa lượng vanillin thấp và đôi lúc sẽ cho ra vị như bị mốc. Bất chấp điều này, nhiều nông dân vẫn hái quả vani sớm vì sợ bị trộm lấy mất trong những tháng cuối trước thời điểm thu hoạch.
Chính phủ Madagascar đã cố ngăn chặn việc hút chân không quả vani, bằng cách lên khung thời gian thu hoạch cho từng làng. Để răn đe công chúng, gần đây họ còn thiêu hủy công khai 500kg vani được thu hoạch quá sớm.

Nhiều nông dân Madagascar đã phải khắc số serial hoặc tên họ lên quả vani còn xanh để ngăn trộm.

Nhưng vẫn có những thương lái nhỏ sẵn sàng mua quả vani được khai thác sớm – với mức giá rẻ. Họ đã nhận tiền từ các nhà xuất khẩu và chắc chắn phải trả hàng. Nếu chờ tới mùa thu hoạch, khi nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp, họ sẽ gặp rủi ro lớn.
Arman Ramarokootonirina là một thương lái chuyên mua vani từ các nông dân ở Maroantsetra trong hơn 7 năm qua. Ông nói rằng sân chơi giờ có nhiều thương lái thiếu trung thực và thị trường thì đầy tiền. “Chính sự tham lam của các ông chủ lớn đã gây ra vấn đề. Người ta cầm một khoản tiền trả trước quá lớn từ các ông chủ này, trong khi còn chưa trồng bất kỳ cây vani nào. Họ chỉ còn cách ăn cắp từ vườn của người khác để có hàng trả nợ”.
Ở chiều ngược lại, những người trồng vani bảo vệ tốt trang trại của họ sẽ được tưởng thưởng nhờ giá cao. Một cân vani đã qua xử hiện có giá từ 400 – 500USD. Đây là số tiền rất lớn ở Madagascar. Tuy nhiên dù giá vani cao, nông dân cũng chỉ kiếm được nhiều tiền hơn một chút so với các năm trước – thực tế là các mảnh đất họ sở hữu có diện tích nhỏ và điều này đã hạn chế số lượng cây vani họ có thể trồng.

Chú thích ảnh: Các thương lái vani ở Madagascar, những người được hưởng lợi lớn từ đợt tăng giá lần này.
Chính các thương lái và các nhà xuất khẩu mới là những kẻ ăn dày. Nhưng do đặc điểm khó tiếp cận của các vùng trồng vani và không có bao tiêu đầu ra, nông dân vẫn phải dựa vào họ, để có thể sinh tồn.
Francois Ravelonjara, một nông dân trồng vani ở Maroansetra, thể hiện một cảm giác đầu hàng hoàn cảnh khi anh vẫn cần mẫn đóng các số serial nhận dạng vào các quả vani trồng trong trang trại nhỏ của mình. Con số khớp với số nhận dạng mà chính quyền cấp cho nông dân để chứng minh quyền sở hữu và chống lại nạn trộm vani. Tuy nhiên nó chẳng ngăn được việc bọn trộm đã cướp sạch vani khỏi trang trại của anh, những hai lần.
“Sẽ tốt hơn nhiều nếu giá vani lại hạ xuống”, anh nói. “Chúng tôi không kiếm được nhiều, nhưng ít nhất chúng tôi không phải sống trong sợ hãi”.
Nhiều người trồng vani và các thương lái lâu năm ủng hộ quan điểm này. Phần lớn đều biết rằng đợt bùng giá lần này sẽ kéo dài không lâu, nhưng hậu quả mà nó gây ra sẽ còn ở lại rất dai dẳng.Người nông dân không ở trong rừng một mình. Rất nhiều đàn ông khác – các nông dân như anh – cũng đội mưa đi tuần trong rừng. Suốt 3 tháng qua, họ đều rời nhà mỗi đêm và thực hiện một hành trình dài tới trang trại để bảo vệ thành quả lao động: Không phải ma túy mà là các cây vani sắp tới mùa thu hoạch.

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Copyrights © 2018 - VaniOr - Dai Nam the Media and Invest Company Limited
Shopping Cart
There are no products in the cart!
Continue Shopping